Tưởng niệm Thảm sát Ponary

Kỷ niệm hiện trường thảm sát

Đài tưởng niệm Ponary dựng thời Xô Viết

Tháng 8 năm 1944, "Ủy ban đặc biệt điều tra tội ác Đức Quốc xã gây ra từ năm 1941 đến ngày 5 tháng 8 năm 1944 tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Litva" do chính quyền Liên Xô thành lập đã điều tra hiện trường vụ án Ponary. 515 thi thể được khai quật từ "hố tử thần" và đem giám định. Kết quả xác định được 5 thi thể. Ngoài ra cũng phát hiện một lượng lớn xương người, tro, vật dụng cá nhân và giấy tờ tùy thân.[199]

Năm 1945, những người Do Thái còn sống sót ở Vilnius dựng một khu tưởng niệm tự phát tại Ponary.[200] Tuy nhiên, chính quyền Xô Viết nhanh chóng dẹp bỏ.[201] Nửa đầu thập niên 1950, họ phá bỏ cây thánh giá mà cư dân Vilnius dựng tại địa điểm hành quyết. Họ chỉ cho phép đặt bảng thông tin bằng gỗ phía trên viết tiếng Nga và tiếng Litva.[202] Năm 1948, đài tưởng niệm bằng đá gắn ngôi sao năm cánh được khánh thành tại Ponary. Đài tưởng niệm không đề cập đến nguồn gốc dân tộc nạn nhân mà chỉ viết ngắn gọn bằng tiếng Litva và tiếng Nga:[203]

Nạn nhân của khủng bố phát xít 1941–1944

Trong vài thập kỷ, khu tưởng niệm bị lãng quên.[204][205] Năm 1980, Ponary mở một bảo tàng kỷ niệm tội ác thảm sát nhưng chỉ một năm sau đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. Mãi đến năm 1985, chính quyền Xô Viết mới dọn dẹp địa điểm và dựng một quần thể tượng tại đó, cùng với một bảo tàng bằng gạch mới Jautis Makariunas.[206] Phần còn lại của sáu ngôi mộ tập thể có đường đá bao quanh, mép được gia cố lại và phủ đầy cỏ. Năm hố cắm biển trên viết chữ tiếng Nga và tiếng Litva: "Tại đây, quân chiếm đóng Đức Quốc xã đã đốt xác đào lên". Ở hố thứ 6 cũng là lớn nhất, tấm bảng ghi: "Trong hố cao tám mét này, quân chiếm đóng Đức Quốc xã giam giữ tù nhân là những người phải đi đào xác và đập nát xương nạn nhân".[207] Ở lối vào quần thể di tích có hai tấm biển bằng đá cùng với dòng chữ bằng hai thứ tiếng Litva và tiếng Nga:[206]

Tại đây, trong khu rừng Ponary, từ tháng 7 năm 1941 đến tháng 7 năm 1944, Đức Quốc xã bắn chết hơn 100.000 công dân Liên Xô.

Nhằm che giấu tội ác, từ tháng 12 năm 1943, quân phát xít thiêu xác nạn nhân.

Chính sách công khai thời cải tổ rồi đến Liên Xô tan rã giúp cho tiếng Do Thái và Ba Lan được sử dụng tại khu tưởng niệm. Năm 1990, cây thánh giá gỗ cao 10 mét tưởng niệm những người Ba Lan bị sát hại đã được dựng lên và thánh hiến tại địa điểm. Trước thánh giá đặt tấm bảng tưởng niệm bằng đá granit với dòng chữ bằng tiếng Ba Lan:[208]

1941-1944. Tưởng nhớ hàng ngàn người Ba Lan bị sát hại tại Ponary. Tri ân tới đồng hương vùng Vilnius.
Lạy Chúa, xin cho họ được an nghỉ vĩnh hằng, và để ánh sáng đời đời soi chiếu họ. A-men.

Năm 1990, ở lối vào đặt tấm bảng bằng đá granit in hình Ngôi sao David với dòng chữ bằng tiếng Yiddish, tiếng Do Thái, tiếng Litva và tiếng Nga ghi rằng có 70.000 nạn nhân nam giới, phụ nữ và trẻ em Do Thái.[209][210] Một năm sau, Ponary dựng tượng đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái. Tượng đài có bề ngoài lấy cảm hứng từ bia mộ Do Thái, ngôi sao David bằng kim loại và menorah bằng đồng. Dòng chữ trên đài tưởng niệm ghi bằng tiếng Do Thái, tiếng Yiddish, tiếng Litva, tiếng Anh và tiếng Nga:[211]

Ký ức vĩnh hằng về 70.000 người Do Thái từ Vilnius và vùng phụ cận, bị giết và thiêu xác tại Ponary này do bàn tay những tên tra tấn Đức Quốc xã và lũ tay sai hỗ trợ.

Năm 1992, dưới nỗ lực của Hội đồng Bảo tồn Tưởng niệm những người khổ đau và bị sát hại, triển lãm bảo tàng được bổ sung tư liệu về nạn nhân Ba Lan.[204] Năm 2000, thánh giá gỗ được thay bằng kim loại. Khu tưởng niệm được hàng rào đá bao quanh, cổng bẳng kim loại cùng những bảng tưởng niệm ghi tên nạn nhân bị sát hại. Một trong những bảng ghi bằng tiếng Ba Lan và tiếng Litva:[212]

Binh lính quân đội Armia Krajowa, Nhà nước ngầm Ba Lan, giới trí thức và thanh niên Ba Lan, những người đã hy sinh mạng sống mình vì tự do cho quê hương. Xin tôn vinh kỷ niệm về họ.
Chính phủ Cộng hòa Ba Lan

Trong quần thể tượng đài Ponary còn những thánh giá, bảng đá tưởng niệm và các tượng đài nhỏ khác dành cho tù binh Liên Xô bị sát hại, người Litva bị giết năm 1941, lính Phòng vệ Litva Liệtuvos vietinė rinktinė bị bắn năm 1944, người Do Thái ở Vilnius bị giết năm 1944.[211] Năm 1985, dòng chữ ở lối vào cũng được bổ sung thông tin: bên cạnh "Đức Quốc xã" có ghi rõ những người thực thi là "cộng tác viên địa phương".[210] Từ năm 2013, khu tưởng niệm do Bảo tàng Nhà nước Do Thái Gaon ở Vilnius quản lý.[211]

Ký ức Ponary tại Ba Lan

Đài tưởng niệm nạn nhân Ponary tại Nghĩa trang quân đội PowązkiKhu tưởng niệm nạn nhân Ponary tại Nghĩa trang Quân đội và Dân sự tại Ełk

Ở Ba Lan, nạn nhân Ponary được tưởng niệm tại nhiều nơi. Bảng tưởng niệm đầu tiên tại nhà thờ Thánh Jacek tại Warszawa.[213] Tượng đài tưởng niệm nhỏ được lập nên tại Nghĩa trang quân đội PowązkiWarszawa (1997),[214] Nghĩa trang Quân đội và Dân sựEłk (2003),[215] Nghĩa trang Trung tâmSzczecin (2012)[162]Nghĩa trang ŁostowickiGdańsk (2018).[216]

Năm 1994, theo sáng kiến của Helena Pasierbska, hiệp hội "Rodzina Ponarska" (Gia đình Ponary) được thành lập, tập hợp người thân và bạn bè nạn nhân Ba Lan bị giết tại Ponary.[217][218] Từ năm 1997, hiệp hội tổ chức lễ kỷ niệm "Ngày Ponary" vào ngày 12 tháng 5 hàng năm.[219]

Nhật ký Kazimierz Sakowicz

Một trong những nhân chứng quan trọng nhất là nhà báo tiền chiến đồng thời thành viên phong trào kháng chiến Ba Lan Kazimierz Sakowicz, nhà chỉ cách địa điểm hành quyết vài chục mét. Trong ba năm, Sakowicz bí mật theo dõi, ghi dấu hiệu toa tàu, số xe, thu thập thông tin từ các nhân chứng khác.[220] Ông chép phát hiện của mình lên những mảnh giấy nhỏ, cho vào chai và và chôn trong vườn.[221] Sau chiến tranh, người ta đã tìm thấy những ghi chép Sakowicz từ ngày 11 tháng 7 năm 1941 đến ngày 6 tháng 11 năm 1943.[222] Ngày 5 tháng 7 năm 1944, Sakowicz bị Ypatingasis būrys bắn chết.[223] Có thể những ghi chép sau ngày 6 tháng 11 năm 1943 đã bị cảnh sát Litva phát hiện và tiêu hủy.[224]

Năm 1952, ghi chép Sakowicz được tìm thấy khi hàng xóm đào tìm vàng trong vườn nhà ông.[225] Tài liệu được chuyển đến Bảo tàng Nhà nước Do Thái Gaon ở Vilnius. Sau khi bảo tàng đóng cửa, tài liệu được chuyển tiếp tới Cục Lưu trữ Nhà nước Trung ương Litva và Bảo tàng quốc gia Litva ở Vilnius. Ghi chép được dùng làm bằng chứng để điều tra thẩm vấn các thành viên Ypatingasis būrys sau chiến tranh.[221] Nhật ký Sakowicz được xuất bản lần đầu tiên ở Ba Lan năm 1999. Trong những năm tiếp theo, ấn bản chuyển ngữ được xuất bản bằng tiếng Do Thái (2000), tiếng Đức (2003), tiếng Anh (2005) và tiếng Litva (2012).[225]